Các chuyên gia trong ngành ẩm thực và dịch vụ sẽ chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời Đầu bếp nổi tiếng – Chef Hungazit sẽ trình diễn nấu ăn trực tiếp tại hội thảo.
Chương trình Ẩm thực Châu Âu & Việt Nam: ‘Sự kết hợp tuyệt vời!’ sẽ khởi động vào đầu năm 2022 tại Việt Nam với ‘Hội thảo chuyên đề: Thịt, Dầu ô-liu và Quả ô-liu châu Âu’, tổ chức tại Sofitel Saigon Plaza, Thành phố Hồ Chí Minh vào hồi 13:00 – 15:00, Thứ Năm, ngày 06 tháng 01 năm 2022.
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng trở nên quen thuộc hơn với thực phẩm và đồ uống của châu Âu. Sự kiện tương tác này sẽ cho phép các chuyên gia thực phẩm Việt Nam tìm hiểu thêm về lợi ích của việc bán các sản phẩm thực phẩm của châu Âu, hiểu thêm về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam và các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của các sản phẩm thực phẩm của châu Âu.
Sau phần giới thiệu về các sản phẩm của EU gồm hoạt động quảng bá và các phương pháp đảm bảo chất lượng, sự kiện sẽ bắt đầu với bài phát biểu của ba diễn giả là chuyên gia trong ngành.
Với năm năm kinh nghiệm bán lẻ tại Việt Nam, ông Paul Lê đã và đang nhập khẩu và phân phối nhiều loại sản phẩm chất lượng cao của EU, đặc biệt là các sản phẩm từ Pháp, tại Central Retail Việt Nam. Từ góc độ của ngành bán lẻ, bài phát biểu của ông sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích về chiến lược marketing nhằm xác định vị thế của sản phẩm thịt của châu Âu tại thị trường Việt Nam.
Ông Trần Quang Minh, chuyên gia về thịt của Passion Gourmet Foods có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích và phát triển thị trường phân phối thịt. Với kinh nghiệm về các buổi trình diễn xử lý sản phẩm thịt theo yêu cầu của khách hàng, ông sẽ chia sẻ các bí quyết và hiểu biết sâu sắc để thành công trong việc bán thịt của châu Âu tại Việt Nam.
Chuyên gia ngành khách sạn-nhà hàng, ông Albin Deforges đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành, trong đó có 15 năm tại Việt Nam. Với niềm yêu thích tạo ra những trải nghiệm khó quên cho khách hàng, ông là một doanh nhân có tâm với tư cách là chủ sở hữu và đồng sáng lập của 12 nhà hàng Pháp và quốc tế. Từ góc nhìn của người chủ nhà hàng, bài phát biểu của ông sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về những đặc điểm khiến thịt của châu Âu luôn nổi trội trong việc giành được những khách hàng trung thành.
Sau các phiên thảo luận cùng chuyên gia nói trên, nhiều bí quyết bổ ích cũng sẽ được chia sẻ bởi vị đầu bếp nổi tiếng Nguyễn Mạnh Hùng – còn được biết đến với cái tên Chef Hungazit. Là gương mặt quen thuộc trên truyền hình Việt Nam và là tác giả của nhiều cuốn sách dạy nấu ăn nổi tiếng như ‘Đầu bếp tự do’ và ‘Trái tim của Chef, Chef Hungazit sẽ thực hiện trình diễn nấu ăn trực tiếp để minh họa cách kết hợp sáng tạo các nguyên liệu của Âu và Việt Nam với nhau để tạo nên Sự kết hợp tuyệt vời!
Thị trường thịt và ô-liu của Việt Nam
Dân số Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và mức tiêu thụ các loại thịt nói chung đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn. Thịt lợn là loại thịt phổ biến nhất trong nước, chiếm khoảng 2/3 tổng lượng thịt tiêu thụ và tăng trưởng 1,8% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2013-18 và dự báo sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn nữa. Lượng tiêu thụ thịt chế biến đông lạnh cũng tăng nhanh trong những năm gần đây, nhờ sự cải thiện của cơ sở hạ tầng trong khâu trữ lạnh. Thịt chế biến sẵn được bày bán trên kệ chiếm phần lớn thị trường bán lẻ về mặt giá trị, với giá trị thị trường ở mức 71 triệu EUR vào năm 2018, tăng trưởng 2,1% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2013–18.[1]
Lượng tiêu thụ dầu ô-liu của Việt Nam có mức tăng trưởng ổn định và dự kiến sẽ duy trì xu hướng tăng lên. Quy mô thị trường đã tăng từ 700 tấn năm 2013 lên 1000 tấn năm 2018. Mặc dù dầu đậu nành vẫn được ưa chuộng tại Việt Nam, nhưng các giao thương từ xưa giữa Việt Nam và Pháp cũng đã mang lại sự quen thuộc với dầu ô-liu cho người Việt, và tiềm năng phát triển của loại nguyên liệu này sẽ còn tăng hơn nữa khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe.2
Thị trường thịt và ô-liu của Châu Âu
Thịt là một phân khúc cực kỳ quan trọng của ngành công nghiệp thực phẩm ở Liên minh Châu Âu (EU). Thịt lợn, thịt bò, thịt cừu và thịt gia cầm (cả thịt tươi và đông lạnh) đều được sản xuất trên khắp châu Âu, và nhiều loại thịt chế biến sẵn, bao gồm xúc xích và thịt nguội (đồ tươi hoặc đã qua xử lý), là một phần trong toàn bộ nền văn hóa và ẩm thực đa dạng của tất cả các nước trong khối EU, từ Jambon de Bayonne, một loại thịt nguội ngọt từ Tây Nam nước Pháp, được tẩm muối tự nhiên từ các vựa muối gần Đại Tây Dương, cho đến Szegedi szalámi từ Hungary, một loại xúc xích lợn hun khói được làm theo cách tương tự trong hơn 140 năm.
Các sản phẩm làm từ ô-liu cũng là yếu tố chủ chốt trong nền kinh tế nông nghiệp của các nước Nam Âu, với khoảng 5 triệu ha cây trồng và hơn 7 tỷ euro giá trị sản xuất hàng năm. Các nước châu Âu sản xuất từ 70 đến 75% sản lượng dầu ô liu của thế giới và hơn một phần ba sản lượng đối với sản phẩm quả ô-liu. Theo dữ liệu của Eurostat, có khoảng 1.509.000 trang trại trồng ô-liu tại châu Âu vào năm 2013. Các nước Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp và Bồ Đào Nha chiếm phần lớn cả về diện tích và số lượng trang trại trồng ô-liu. Các trang trại ở Tây Ban Nha có quy mô trồng ô-liu bình quân lớn nhất, đạt 5,8 ha mỗi trang trại vào năm 2013, tiếp theo là Bồ Đào Nha với 2,8 ha.3
Chương trình Sự kết hợp tuyệt vời!
Chương trình ‘Ẩm thực Châu Âu & Việt Nam: Sự kết hợp tuyệt vời!’ được Liên minh Châu Âu (EU) sáng lập để quảng bá thực phẩm và đồ uống của EU tại Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020 nhằm thúc đẩy hơn nữa lượng cầu của các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Việt Nam.
Bằng cách thể hiện ‘Sự kết hợp tuyệt vời’ của các sản phẩm châu Âu và nguyên liệu địa phương của Việt Nam, chương trình sẽ làm nổi bật các đặc điểm chính của thực phẩm và đồ uống châu Âu – sự an toàn, tính nguyên bản, chất lượng cao và giá cả phải chăng, được đảm bảo bởi 3 loại nhãn chất lượng (PDO, PGI và hữu cơ), không chỉ mang hương vị tuyệt vời mà còn đem tới cho người tiêu dùng sự tin tưởng và nhận thức về những sản phẩm chất lượng.
Trang web chính thức của chương trình: www.foodmatcheu.vn
Gia Hân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com