Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Bánh kẹo Hải Hà (Mã CK: HHC) mà UBCKNN vừa công bố khiến nhà đầu tư thêm một lần “nhớ” về một trong những thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
8 cổ đông nắm giữ hơn 90% cổ phần
Được thành lập từ những năm 1960, CTCP Bánh kẹo Hải Hà (Haihaco - Mã CK: HHC) đã gây dựng được vị thế trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo tại Việt Nam sau nhiều năm phát triển.
Tuy nhiên, hai năm gần đây, Haihaco đã trải qua thời kỳ đầy biến động sau khi Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) tiến hành triệt thoái 51% vốn.
Cổ đông lớn liên tục thay đổi, các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) phải tiến hành nhiều lần và các án phạt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) với nhiều loại vi phạm cũng là những thông tin thường gặp khi nhắc tới Haihaco giai đoạn này.
Đến đầu năm 2018, nhóm cổ đông lớn (và cũng có lẽ là sau cùng) đã dần lộ diện, khép lại một thời kỳ đầy bất ổn.
Ngày 13/2/2018, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường của Haihaco đã bầu ra Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ 2018 - 2022 với 7 thành viên mới, bao gồm: bà Bùi Thị Thanh Hương, bà Vũ Thị Thúy, bà Lưu Thị Tuyết Mai, bà Nguyễn Thị Lan, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Trần Anh Thắng và ông Lê Mạnh Linh.
Sau đó hơn 2 tháng, Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (ngày 24/4/2018) cho thấy chỉ có 8 cổ đông trực tiếp và thông qua ủy quyền tham dự. Nhưng các cổ đông này đại diện cho số lượng cổ phần sở hữu và được ủy quyền chiếm tới 91,54% tổng số cổ phần của Haihaco.
Mặt khác, các tờ trình tại kỳ họp này cũng được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối (100%), phản ánh sự “nhất trí cao” giữa các cổ đông nêu trên.
Tính đến cuối năm 2018, trong HĐQT của Haihaco nổi bật 2 thành viên đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp số lượng lớn cổ phiếu HHC.
Trong đó, ông Lê Mạnh Linh - Chủ tịch HĐQT - đang sở hữu trực tiếp 4,97% vốn. Ông Linh đang đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT của CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS). Bên cạnh ông Linh, một thành viên HĐQT khác của Haihaco là ông Trần Anh Thắng cũng đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của VFS.
Đáng chú ý hơn cả là trường hợp của bà Lưu Thị Tuyết Mai - Thành viên HĐQT Haihaco. Dù không sở hữu trực tiếp cổ phần nhưng người em trai của bà Mai là ông Lưu Văn Vũ đang nắm giữ tới 24% tổng số cổ phần của Haihaco.
Bà Lưu Thị Tuyết Mai còn được biết đến nhiều với vai trò là người sáng lập và CEO của Mesa Group.
Mặt khác, phần lớn các thành viên trong HĐQT và Ban Kiểm soát của Haihaco đều có ít nhiều mối liên hệ xoay quanh hai nhân vật này.
Chân dung bà Lưu Thị Tuyết Mai – Nguồn: Forbes Việt Nam
Dưới thời “chủ mới”, Haihaco cũng ghi nhận một số các giao dịch liên quan đến “người nội bộ” là các thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát và Giám đốc điều hành. Một giao dịch “lạ” trong số đó có liên quan đến án phạt dành cho HHC vừa được UBCKNN công bố.
Dành 152 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán
Ngày 2/4/2019 vừa qua, thanh tra UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với HHC.
UBCKNN cho biết, ngày 23/4/2018, HHC đã ký hợp đồng dịch vụ chứng khoán số 01/2018 với CTCP chứng khoán Nhất Việt (VFS) - “người có liên quan” tới hai Thành viên HĐQT của HHC là ông Lê Mạnh Linh và ông Trần Anh Thắng.
Giá trị giao dịch là 140 tỷ đồng, chiếm tới 30,9% tổng tài sản HHC (tại kỳ báo cáo tài chính kết thúc ngày 31/3/2018).
Thanh tra UBCKNN xác định giao dịch này đã diễn ra khi chưa được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ cũng như HĐQT. Với hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về giao dịch với người có liên quan của Thành viên HĐQT, HHC đã bị xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng.
Dù giao dịch đã được thực hiện khá lâu nhưng đến ngày 25/1/2019, Haihaco mới thực hiện công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN và website của doanh nghiệp về Quyết định của HĐQT thông qua giao dịch giữa doanh nghiệp này và VFS.
Nội dung quyết định cho thấy, HHC sẽ mở tài khoản giao dịch chứng khoán và thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán theo quy định của VFS và quy định pháp luật về chứng khoán hiện hành. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày ký hợp đồng đến hết ngày 31/12/2018.
Việc HHC đem lượng lớn tài sản để mở tài khoản chứng khoán tại VFS có lẽ xuất phát từ mối quan hệ “đặc biệt” thông qua các lãnh đạo của 2 công ty này như đã đề cập ở trên.
Cũng trong năm 2018, VFS cũng đã thực hiện gom mua thêm 21.400 cổ phần HHC, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 0,969% vốn điều lệ.
Giá trị một số khoản đầu tư đến ngày đáo hạn của Haihaco (Nguồn: HHC)
Không chỉ có đầu tư cổ phiếu, HHC cũng đã dành 12 tỷ đồng để mua trái phiếu của Công ty TNHH Hakuba.
Đây là lô trái phiếu không được chuyển đổi, có kỳ hạn kéo dài 4 năm và đã được “chốt” bán cho CTCP Chứng khoán ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS). Số trái phiếu trên dự kiến sẽ được chuyển giao cho VPBS vào ngày 19/4/2019 sắp tới.
Nguồn tiền đầu tư của Haihaco đến từ đâu?
Giao dịch vừa bị UBCKNN xử phạt mới đây chỉ là một trong số những giao dịch mà Haihaco thực hiện với “người có liên quan”.
Cụ thể, trong năm 2018, Haihaco đã ký nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa với nội dung mua các nguyên vật liệu từ Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Mesa.
Bên cạnh đó, Haihaco còn thực hiện ký kết 2 hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh (Hợp đồng số 64/HĐhTĐT/MESA-HHC ngày 1/4/2018 và Hợp đồng số 02052018/HĐHTĐT/MESA-HHC ngày 1/5/2018) với Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Mesa trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng.
Giá trị của 2 hợp đồng này, tính đến ngày 30/6/2018 được ghi nhận ở mức 61,3 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính gộp với các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, Haihaco đã ghi nhận ít nhất 213,3 tỷ đồng, chiếm 31,7% tổng tài sản (tính đến ngày 30/6/2018), chỉ để thực hiện các giao dịch “đầu tư ngoài ngành” với các bên có liên quan.
Ở một chiều hướng khác, các khoản vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn và dài hạn) của Haihaco cũng tăng mạnh trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, ghi nhận giá trị đạt 253,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2018, giá trị của các khoản vay này hầu như không có nhiều thay đổi.
Trong khi đó, hồi đầu năm 2018, Haihaco gần như không ghi nhận khoản dư nợ vay nào đáng chú ý.
Hệ quả của việc gia tăng vay nợ có thể thấy rõ trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018. Cụ thể, chi phí lãi vay phải trả lũy kế năm 2018 của Haihaco đã tăng lên mức 15,7 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ, doanh nghiệp này chỉ phải chi trả 16,3 triệu đồng cho chi phí lãi vay.
Chi phí lãi vay của Haihaco tăng nhanh trong năm 2018 vừa qua (Nguồn: HHC)
Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính của Haihaco dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 đã thông qua việc phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo, với kỳ hạn từ 3-10 năm.
Số tiền huy động được dự kiến dùng để bổ sung thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và tăng quy mô vốn hoạt động của Haihaco.
Dù sao, với việc nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp, các “ông chủ” mới của Haihaco có quyền điều hành, quản trị doanh nghiệp theo ý chí của mình, miễn sao các hoạt động này không vi phạm pháp luật.
Theo Viettimes.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com