Live-stream kiếm nghìn USD, mốt mới của giới trẻ Trung Quốc

Nhiều thanh niên Trung Quốc ôm mộng trở thành ngôi sao trên mạng để kiếm hàng nghìn USD mỗiháng nhưng ngay cả những người đã thành công với nghề này cũng cảm thấy hoài nghi.


Từ một studio ở thành phố Thẩm Dương, phía bắc tỉnh Liêu Ninh, Yu Li dành vài tiếng mỗi ngày để lên sóng trên YY, một mạng xã hội do công ty Tencent của Trung Quốc phát triển.

Khi anh kể chuyện cười hoặc nói lắp bắp, người hâm mộ sẽ gửi cho anh "những món quà ảo", tượng trưng cho tiền thật.

Chương trình của anh là sự kết hợp của chuyện phiếm, âm nhạc và sự hài hước, tất cả hòa trộn trong văn hóa "đông bắc". Anh cũng thành lập và điều hành Wudi Media, công ty chuyên đào tạo và quảng bá cho những ngôi sao trực tuyến tương lai.

Yu Li, người sáng lập Wudi Media, tạo dáng trong căn hộ của anh ở Thẩm Dương, Trung Quốc. Ảnh: Washington Post.


Ở phía bên kia studio, một số người đang đánh răng hoặc hoàn thành những phút cuối của ca làm việc dài. Họ khao khát được nổi tiếng trên mạng bằng giọng nói, ngoại hình hoặc những câu đùa ngớ ngẩn.

Đối với hàng chục nghìn người theo dõi chương trình của Yu mỗi tối, cuộc sống của anh thật đáng ngưỡng mộ. 
Giàu lên nhờ live-stream

Mặc dù live-stream (truyền nội dung trực tiếp trên Internet) phổ biến ở nhiều nơi, bao gồm cả Mỹ, nhưng quy mô tại Trung Quốc vẫn vượt trội. Khoảng một nửa trong số 700 triệu người dùng Internet của Trung Quốc đã dùng thử các ứng dụng live-stream, tức nhiều hơn dân số Mỹ.

Giống như những người nổi tiếng trên mạng ở khắp thế giới, một số ngôi sao trực tuyến Trung Quốc cũng kiếm tiền từ quảng cáo. Tuy nhiên, phần lớn nguồn tiền đến từ người hâm mộ dưới hình thức quà tặng, giống như một loại tiền tip ảo.

Theo nghiên cứu của iResearch, thị trường quảng cáo trực tuyến của Trung Quốc có giá trị ít nhất là 3 tỷ USD vào năm 2016, tăng 180% mỗi năm. Các nhà phân tích dự đoán ngành này sẽ sớm thu được nhiều tiền hơn so với thị trường phòng vé Trung Quốc.

Trong khi các công ty Mỹ như Facebook và Google vẫn bị chặn ở Trung Quốc, Tencent và các công ty địa phương khác đang làm ăn phát đạt. Từ một trang game, YY đã phát triển thành một mạng xã hội dẫn đầu về live-stream.
Lu MingMing, 25 tuổi, biểu diễn trực tiếp qua mạng từ nhà riêng ở Cát Lâm, Trung Quốc. Ảnh: Washington Post.


Yu đến từ một vùng đất trù phú của vùng đồng bằng Bắc Trung Quốc, nơi từng được gọi là Mãn Châu. Năm 16 tuổi, anh làm việc cho xưởng cơ khí ở một thành phố nhỏ. Những lúc rảnh rỗi, Yu lại đến các quán cà phê Internet.

Khi công nghệ streaming bắt đầu cất cánh, Yu cũng phát triển chương trình riêng của mình. Năm 2014, anh thành lập Wudi. Yu cho biết anh thường kiếm được hơn 100.000 USD/tháng nhờ chương trình của mình và việc kinh doanh.

Để công ty không ngừng phát triển, Yu cần nguồn cung tân binh liên tục, bởi vậy anh gần như trở thành một ông bầu. Bao quanh anh luôn có khoảng 5, 6 người, mỗi người lại có "học trò" riêng của mình, tạo thành một mô hình kim tự tháp.

Trong số đó có Lu Yongzhi, 26 tuổi, một người chăn nuôi gia súc. Lu Guofu, cha dượng của Lu Yongzhi, nói: "Tôi kể rằng con trai kiếm tiền bằng việc phát trực tuyến trên Internet mà họ không tin". Ông không thể xem được chương trình của con trai vì không có máy tính và không biết dùng smartphone.

Nhưng giờ mọi người đã tin. Trước đây, khi mới bắt đầu, Lu phải ngủ nhờ nhà bạn, anh phát sóng 8 tiếng một ngày và thường chỉ kiếm được vài đồng lẻ. Vài năm sau khi ký hợp đồng với Yu, Lu cho biết anh đã có thể dùng đồ hiệu và thu về hàng nghìn USD mỗi tháng.

Đó là điều hấp dẫn những người mới. Người ta có thể thoải mái mở tài khoản trực tuyến nhưng thu hút được người xem mới khó. Bởi vậy, những người như Lu thường dành một phần trong chương trình của mình để giới thiệu người mới, tất nhiên là với mức giá nhất định.
Giấc mộng đổ vỡ

Sự nổi lên của các ngôi sao như Yu đã biến sự bùng nổ của công nghệ streaming trở thành một cơn sốt vàng trong thời kỹ thuật số. Thanh thiếu niên bỏ học để làm giàu, nông dân bỏ đất đai để thử vận may.

Sức quyến rũ của đồng tiền kiếm được dễ dàng và nhanh chóng đã dẫn tới những trường hợp kỳ quái và cực đoan, chẳng hạn một người phụ nữ nổi tiếng trên mạng nhờ ăn cá vàng và thủy tinh được biết đến với cái tên Gourmet Sister Feng.

Ngoài ra, những người trẻ tuổi cũng không ngại dao kéo để có khuôn mặt của "ngôi sao trên mạng" với trán cao, mắt tròn, mũi dài, cằm nhỏ. Họ cũng sử dụng kem để giữ cho làn da trắng trẻo.

"Muốn trở nên đẹp là điều bình thường, miễn là không phải đại phẫu. Dùng botox, tiêm chất làm đầy, làm trắng da đều được cả", Yu nói.

Vì vẻ ngoài đóng vai trò lớn nên hệ thống kiểm duyệt ở Trung Quốc phải tìm cách đặt ra ranh giới giữa quyến rũ và gợi dục. Năm ngoái, trong đợt kiểm duyệt gắt gao các nội dung trực tuyến, họ đã cấm cảnh ăn chuối "khêu gợi".

Một số người phát nội dung trực tuyến lo ngại các quy định liên tục thay đổi sẽ khiến họ khó kiếm tiền nhưng vấn đề thực sự của họ lại là chuyện ăn chia.

Những ngôi sao mạng cho biết họ chỉ thực sự nhận được vài trăm USD từ 1.000 USD tiền quà tặng ảo. YY lấy 50% và họ phải mất thêm cho người đại diện hoặc quản lý từ 20 đến 30% thu nhập.
Zheng Tianqi, 28 tuổi, hát và chơi guitar để phát trực tiếp trên mạng. Zheng đã chuyển tới Bắc Kinh biểu diễn trên phố để kiếm sống. Anh mong muốn trở thành ngôi sao trên mạng nhờ sự hỗ trợ của Wudi Media. Ảnh: Washington Post. 


Trong khi đó, công việc của họ cũng chẳng dễ chịu gì. Lu Mingming, một tân binh 25 tuổi, dành 4 tiếng mỗi ngày trong một studio chứa đầy đồ chơi đắt tiền.

Cô cho biết phần khó nhất trong công việc của mình là phải luôn xuất hiện dễ thương và vui vẻ trong hàng giờ đồng hồ. Ngoài ra, cô cũng thường phải làm việc cả 7 ngày trong tuần. "Họ muốn thấy bạn hát từ tận đáy lòng", cô nói.

Trong khi phát sóng, tin nhắn từ người xem sẽ nhấp nháy trên màn hình theo thời gian thực. Một số người khuyến khích, số khác thì không. Lu cho biết người hâm mộ cũng thường muốn cô hát đi hát lại một bài cũ.

Một số người cho biết họ khó có khả năng sáng tạo khi dành phần lớn thời gian ở một mình trong nhà. Lu Yongzhi, một nông dân chuyển nghề, nói cuộc sống mới của anh "rất nhàm chán".

Ngay cả Yu, người đã hiện thực hóa được giấc mơ của mình và trở nên giàu có, cũng cảm thấy hoài nghi. Khi thị trường live-stream chưa bùng nổ, anh được tự do nói những gì mình muốn và tìm thấy niềm vui trong công việc.

Hiện tại, khi đã có tiếng tăm, anh lại phải lo lắng cho việc kinh doanh và luôn bị các nhà kiểm duyệt để mắt tới.

Theo Zing
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com