Gần 15.000 người thuộc diện giải tỏa để phục vụ dự án sân bay quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, vấn đề sắp xếp việc làm cho nhóm này gặp nhiều khó khăn.
Ngày 31/7, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Đồng Nai về các vấn đề giải quyết việc làm, tổ chức cuộc sống tái định cư để thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), nói rằng dự án sân bay được quy hoạch trên diện tích thuộc địa bàn 6 xã của huyện với tổng diện tích trên 5.600 ha.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về vùng quy hoạch dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Ngọc An.
Để thực hiện dự án, nhà chức trách phải di dời trên 4.700 hộ dân (gần 15 nghìn nhân khẩu), 26 tổ chức đến điểm khác để lấy mặt bằng.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết việc di dời người dân đến nơi ở mới phải đáp ứng nhiều điều kiện. Trong đó, cấp thiết nhất là vấn đề việc làm cho người dân. Ông cho rằng, hiện có khoảng 70% dân số trong nhóm giải tỏa nằm trong tuổi lao động và chủ yếu thuộc lớp lao động nông thôn.
“Khi di dời, những người trẻ có thể vào các công ty ở những khu công nghiệp lân cận để làm việc. Tuy nhiên, đối với nhóm người từ 40-45 tuổi thì việc làm công nhân là không thể do họ ngoài độ tuổi tuyển dụng. Những người có tuổi từ 60-65 ở địa phương có thể bám ruộng vườn để sống nhưng chuyển ra vùng tái định cư thì khó có việc làm”, ông Ân cho biết.
Vị chủ tịch huyện cũng đề xuất Ủy ban Kinh tế Quốc hội xem xét các biện pháp hỗ trợ đối với nhóm người ở độ tuổi cao này.
Tại buổi làm việc, một người dân nói rằng họ đã chờ đợi ngày di dời suốt hơn chục năm qua. “Tôi muốn hỏi lãnh đạo rằng bao giờ sẽ di dời. Cho chúng tôi biết cụ thể là năm nào? Chỉ cần một con số cụ thể”, ông nói.
Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Ngọc An.
Theo UBND Đồng Nai, tỉnh này đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dân ở dự án sân bay Long Thành. Trong dự án có các nội dung liên quan thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi việc làm…
Theo UBKT Quốc hội, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là dự án lớn và được cho chế độ đặc thù, chưa từng có tiền lệ.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết để thực hiện dự án, cần xem nguyện vọng, tâm tư người dân để hài hòa trong giải quyết. Cần nêu đầy đủ trong báo cáo khả thi và trình với Chính phủ.
“Nếu thẩm quyền của Chính phủ giải quyết được thì Chính phủ giải quyết. Nếu vượt quá thẩm quyền của Chính phủ thì phải báo cáo với quốc hội”, ông Thanh nói.
Theo Zing
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com