Với chủ đề “Cô đơn”, tập 10 của Kịch cùng Bolero đã lấy nhiều nước mắt của khán giả với 3 vở kịch đầy xúc động của đạo diễn Xuân Trang, Ngọc Duyên và Vũ Trần. Trong đêm thi này, NSƯT Công Ninh cùng 3 nữ giám khảo khách mời là nghệ sĩ Hồng Nga, NSƯT Kim Xuân và nữ danh ca Họa Mi đã dành điểm tuyệt đối cho Ngọc Duyên – nữ đạo diễn duy nhất của chương trình.
Đạo diễn Xuân Trang gây xúc động với tác phẩm nói về sự cô đơn của những bà mẹ Việt Nam anh hùng
Tác phẩm của đạo diễn Ngọc Duyên mang tên “Chuyến tàu hoàng hôn” nói về bi kịch hôn nhân của vợ chồng bà Diệp (NSƯT Hạnh Thúy) và ông Cang (Đức Thịnh). 23 năm trước, đang lúc gia đình hạnh phúc, ông Cang ngoại tình cùng với người đàn bà khác. Trên sân ga, bà Diệp đau đớn nhìn cảnh chồng mình âu yếm và ra đi cùng với nhân tình. 3 năm sau đó, ông Cang quay về quỳ dưới chân bà Diệp xin tha thứ, nhưng lúc này bà Diệp đã gần như ngây dại, không còn nhận ra chồng mình. Ông Cang đành xin ở lại làm quản gia, được bà Diệp trả lương hàng tháng. Với mặc cảm có lỗi, trong suốt 20 năm sống với vợ, dù vợ luôn tỏ ra lạnh lùng và không nhận ra mình nhưng ông Cang vẫn hết lòng chăm sóc vợ. Khi cả hai đã lớn tuổi và sức khỏe ngày càng yếu, ông Cang đưa bà Diệp đi Sapa vì biết ước mơ của bà là được ngắm tuyết một lần cùng với chồng. Đường đi vất vả, ông Cang cẩn thận chăm sóc cho vợ nhưng mỗi lần ông đến gần, bà Diệp đều tỏ ra lạnh lùng và nhắc nhở thân phận của ông chỉ là người giúp việc. Bà Diệp cay đắng cho biết cho đến chết bà cũng không bao giờ quên ngày người chồng nhẫn tâm bỏ lại bà để đi tìm hạnh phúc mới. Ông Cang đau đớn vì vợ chỉ nhớ lại cảnh người chồng ra đi mà không nhớ rằng ông đã quay về xin tha thứ và vẫn đang ở bên cạnh bà suốt 20 năm qua dù với thân phận của một người giúp việc. Đến lúc này, bà Diệp mới tức giận cho biết trong 20 năm qua bà chưa từng ngây dại và chưa từng bị mất trí nhớ. Bà nhận ra ông Cang là chồng của mình nhưng vì hận ông đã bỏ mình ra đi và chỉ quay về xin tha thứ khi bị cô nhân tình phụ bạc nên trái tim và niềm kiêu hãnh của bà bị tổn thương nặng nề. Bà muốn trả thù chồng, muốn ông sống trong cảnh dằn vặt, đau khổ nên 20 năm qua, bà cho phép ông ở bên cạnh mình nhưng với một khoảng cách như những người xa lạ. Trút hết những nỗi uất hận của mình, bà Diệp rút tiền đưa cho ông Cang tháng lương cuối cùng, khiến ông Cang đau đớn nhận ra những gì mình đã làm 20 năm qua cho vợ đều vô nghĩa vì nó không đủ để bà nguôi ngoai và tha thứ, kể cả khi cả 2 hiện đang ở tuổi gần đất xa trời. Một lần nữa, ông Cang lại bỏ đi. Sau khi ông Cang đi khỏi, những hạt tuyết bắt đầu rơi nhưng đó không phải là tuyết thật mà là tuyết nhân tạo do ông Cang thuê người làm từ trước đó để bà Diệp được vui. Cảm động vì sự ân cần của chồng, bà Diệp hoảng hốt tìm chồng nhưng tất cả đã quá muộn. Đến cuối đời, bà Diệp đã được nhìn thấy tuyết rơi nhưng ước nguyện được ngắm tuyết cùng chồng của bà cũng không thể thành sự thật. Một lần nữa, bà Diệp đau đớn nhìn theo đoàn tàu đưa chồng mình đi xa và mãi mãi không trở về.
Tiết mục của đạo diễn Ngọc Duyên
Tiết mục “Chuyến tàu hoàng hôn” đã khiến cho các giám khảo rơi nước mắt. NSƯT Kim Xuân cho rằng sự cô đơn của người vợ thật khủng khiếp bởi bà sống cùng với chồng trong một mái nhà hơn 20 năm nhưng cả hai không có được sự đồng cảm và chia sẻ. Bà ước chi nhân vật người vợ có được sự vị tha để mà tha thứ cho chồng thì câu chuyện sẽ không quá bi kịch. Đạo diễn Ngọc Duyên cho biết cả người chồng và người vợ trong câu chuyện đều phải chịu đựng sự tổn thương khá lớn mà cả hai không vượt qua được nên phải chịu nỗi cô đơn. Tiết mục của đạo diễn Ngọc Duyên nhận được sự đồng cảm lớn từ nghệ sĩ Hồng Nga. Nghệ sĩ Hồng Nga chia sẻ nếu nói về cô đơn thì bà là người cô đơn nhất. Trong quá khứ, bà từng trải qua 2 mối tình thất bại và bản thân bà cũng là người không thể tha thứ được nên mấy chục năm qua, bà chấp nhận sống trong sự cô đơn. Chính vì vậy, khi xem tác phẩm của đạo diễn Ngọc Duyên, bà rất xúc động. Bà đã xin phép nữ đạo diễn Ngọc Duyên cho được mang kịch bản “Chuyến tàu hoàng hôn” sang Mỹ để biểu diễn cùng với người bạn thân là NSƯT Bảo Quốc. Nhân dịp về nước, nghệ sĩ Hồng Nga đã hỗ trợ một phần chi phí cho các nghệ sĩ ở viện dưỡng lão, một số nghệ sĩ lớn tuổi nghe tin bà quay chương trình Kịch cùng bolero nên đến phim trường thăm. Nghệ sĩ Hồng Nga đã dùng hết cát sê của mình trong chương trình để biếu các nghệ sĩ lớn tuổi.
Theo giám khảo Họa Mi thì trong 3 vở kịch tối qua, vở của đạo diễn Ngọc Duyên đúng với chủ đề cô đơn nhất và những bài hát mà nữ đạo diễn đưa vào kịch như Chuyến tàu hoàng hôn, Sầu lẻ bóng, Ai khổ vì ai rất ăn ý, hợp và khớp với tình huống câu chuyện. NSƯT Công Ninh cho biết mỗi khi nghe bolero, ông đều bị nổi da gà. Ông nói: “Tôi có cảm xúc mạnh về dòng nhạc bolero kinh khủng luôn! Cho nên khi tôi được mời làm giám khảo chương trình này, tôi mừng lắm vì tôi được chìm trong cảm xúc mà mình yêu thích thông qua tác phẩm của các bạn”. Cũng theo NSƯT Công Ninh, đạo diễn Ngọc Duyên chưa làm rõ được cảm xúc người chồng cần vợ và cảm phục vợ như thế nào. Tuy nhiên, ý kiến của giám khảo Công Ninh vấp phải sự phản đối từ giám khảo Họa Mi và Kim Xuân. Trước “sức ép” từ các nữ giám khảo ngồi cạnh, NSƯT Công Ninh vui vẻ dành cho đạo diễn Ngọc Duyên 10 điểm. Cộng với 3 điểm 10 của các nữ giám khảo, đạo diễn Ngọc Duyên dành được điểm tuyệt đối trong đêm thi và nhận được tiền thưởng 10 triệu đồng.
Tiết mục của đạo diễn Xuân Trang
Đạo diễn Xuân Trang cũng đã có một tiết mục đầy cảm động nói về nỗi đau và sự cô đơn của những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong chiến tranh. Tác phẩm “Ca dao mẹ” của anh nói về mẹ Năm (NSƯT Lê Thiện) có 4 người con trai đang đi lính là Nghĩa (Xuân Nghị), Tân (Lạc Hoàng Long), Chiến (Minh Tiến) và Tuấn (Âu Thành Cát). Trong đó, Tuấn là em út và đã có vợ là Phượng (Tâm Thanh). Được tin các con về phép, bà Năm dặn con dâu đi chợ, nấu những món ngon mà 4 anh em yêu thích. Rồi, bà cũng được nhìn thấy 4 người con thân yêu của mình trở về. Người con trai lớn tên Nghĩa, chững chạc và đang trong mình một nỗi buồn man mác vì người yêu vừa đi lấy chồng. Người con kế tiếp tên Tân, sống rất tình cảm và hiện đang thích một cô giao liên có ơn cứu mạng mình. Anh hứa với mẹ khi chiến tranh kết thúc sẽ đưa cô gái về ra mắt mẹ. Người con kế tiếp tên Chiến, tính tình hồn nhiên, nghịch ngợm và hay làm nũng với mẹ. Người con út tên Tuấn, rất thương mẹ và thường hay khóc mỗi khi nhớ mẹ. Trong ngày đoàn tụ, người mẹ rất hạnh phúc khi được ôm hôn những đứa con ngoan ngoãn của mình. Những ký ức về tuổi thơ của 4 cậu con trai cũng hiện về trong bà. Từng thói quen và cả tật xấu của 4 người con cũng được bà nhắc lại, khiến những người con vừa vui vừa xấu hổ. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc ấy chưa được bao lâu thì đồng đội của con trai đến nhà tìm bà Năm để báo hung tin cả 4 người con của bà đều đã hy sinh trên chiến trường. Hóa ra hình ảnh của những người con trở về chỉ là tưởng tượng của người mẹ. 4 người con của bà đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường.
Tiết mục đã khiến cho người xem xúc động vì nỗi đau quá lớn của người mẹ và nỗi cô đơn mà bà phải đối mặt trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Đạo diễn Xuân Trang cho biết khi dựng tác phẩm này anh muốn chia sẻ với nỗi đau và mất mát của những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong chiến tranh. Một tác phẩm đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Giám khảo Kim Xuân cho biết chị rất nể đạo diễn Xuân Trang khi anh dựng 1 vở như thế này. Giám khảo Công Ninh đánh giá tác phẩm đã mang đến 1 cảm xúc đẹp về thân phận của người phụ nữ trong chiến tranh, bản thân anh đã kìm chế những giọt nước mắt rất nhiều lần. Giám khảo Hồng Nga cho rằng vở kịch có sức hút từ cảnh mở màn và đối với bà thì đây là vở kịch tuyệt vời. Giám khảo Họa Mi đánh giá cao bài hát Ca dao mẹ mà đạo diễn Xuân Trang đưa vào cuối tác phẩm. Kết quả, đạo diễn Xuân Trang nhận được 39,5 điểm. Trong đêm thi này, các đạo diễn được quyền đặt cược cho tác phẩm của mình. Nếu tác phẩm cao điểm nhất, đạo diễn sẽ nhận được phần thưởng 30 triệu đồng. Mỗi đạo diễn chỉ được đặt cược 1 lần duy nhất. Đạo diễn Xuân Trang đã đặt cược cho tác phẩm của mình nhưng vì anh thấp điểm hơn đạo diễn Ngọc Duyên nên anh không nhận được tiền thưởng 30 triệu đồng và hết cơ hội đặt cược.
Tiết mục của đạo diễn Vũ Trần
Đạo diễn Vũ Trần tiếp tục mang đến tác phẩm nói về số phận nghiệt ngã của người phụ nữ trong thời phong kiến với quan niệm “xuất giá tòng phu”. Nội dung tác phẩm “Xuất giá tòng phu” nói về 2 vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau. Hàng ngày, người vợ (Hồng Trang) ở nhà se nhang, đợi chồng (Dương Cường) đi làm về. Một ngày nọ, người chồng trở về với món quà dành cho vợ đó là chiếc áo dài gấm màu hồng – màu mà vợ rất yêu thích. Người vợ hạnh phúc mặc ngay chiếc áo mà chồng mua tặng. Chợt nhìn thấy vẻ mặt ủ dột, nhiều suy tư của chồng, người vợ gặng hỏi thì người chồng mới cho biết trong lúc bị bọn giang hồ ức hiếp và sỉ nhục, anh đã lỡ tay giết người. Lo sợ sẽ đi tù và mất hết tất cả, người chồng đâm ra hoảng loạn, mất hết lý trí. Anh chợt nhớ ông phủ từ trước giờ vẫn để ý đến vợ mình nên muốn hiến vợ một đêm cho ông ta để chạy tội. Tuy nhiên, người vợ không đồng ý. Nan nỉ mãi mà vợ không nghe lời, người chồng tức giận ra tay đánh vợ vì cho rằng cô ích kỷ, không thương chồng. Tuy nhiên, khi hiểu được tình cảm và sự chung thủy của vợ, người chồng hối hận và tự oán trách mình. Sự dằn vặt của người chồng đã khiến cho người vợ đau đớn hơn những cú tát mà chồng đánh. Với quan niệm “xuất giá tòng phu”, một khi đã lấy chồng thì mọi chuyện phải nghe lời chồng, người vợ nhận lời đi hầu ông phủ. Trước khi đi, cô nhờ chồng chảy tóc cho mình thật đẹp. Để thể hiện sự chung thủy, người vợ lấy kéo cắt ngắn đi mái tóc và gửi lại cho chồng vì với cô, chỉ có một người đàn ông duy nhất được chải tóc cho mình đó là chồng. Sau khi cắt tóc, người vợ chua xót bước đi để lại người chồng đau đớn với nỗi đau và nỗi nhục của một người đàn ông ích kỷ, hy sinh vợ để bảo vệ mình. Nhận xét về tiết mục, NSƯT Công Ninh cho rằng Vũ Trần đã mang đến một không gian tràn ngập màu sắc và ý tưởng, cách xử lý sân khấu quay rất đắt. Anh cũng khen câu thoại của Hồng Trang lúc bị người chồng đánh rất đắt nhưng anh ước gì toàn bộ câu chuyện chỉ là hư cấu để người chồng thử lòng vợ thì sẽ có kết thúc có hậu hơn.
Đạo diễn Vũ Trần cho biết vì đây là đêm thi chủ đề “Cô đơn” nên cái kết bi kịch của anh phù hợp hơn với chủ đề. Và sự cô đơn mà anh muốn nói ở đây đó chính là cảm giác của người chồng khi vợ của mình đi hầu người đàn ông khác trở về. NSƯT Kim Xuân tỏ ra tiếc nuối vì câu chuyện không nhất quán về bối cảnh lịch sử và chi tiết cái áo dài hồng chưa được xử lý tinh tế. Bởi, chiếc áo dài là món quà mà người vợ rất trân trọng nên chi tiết người vợ mặc áo dài ra lu nước để rửa mặt và gội đầu thì không hợp lý. Giá mà trước đó người vợ cởi áo dài ra và xếp lại đầy trân trọng, sau đó khi quyết định đi hầu ông phủ, cô lấy chiếc áo này mặc vào thì sẽ hay hơn. Những ý kiến của NSƯT Kim Xuân vô cùng chính xác và bổ ích cho đạo diễn Vũ Trần. Nghệ sĩ Hồng Nga cho rằng, lâu lắm rồi bà mới được xem kịch và tuy mới xem có một chút mà “đã” vô cùng. Trong tiết mục, đạo diễn Vũ Trần chọn các ca khúc: Ngày đá đơm bông, Nhật ký hai đứa mình, Đổi thay, Ngày buồn. Tiết mục nhận được số điểm 39,25 điểm.
Kết thúc đêm thi thứ 10, số điểm của các đạo diễn sẽ được cộng dồn với đêm thi sau. Tập tiếp theo của Kịch cùng Bolero có chủ đề “Tình – Tiền” sẽ phát sóng vào lúc 21h thứ Hai ngày 31/7 trên kênh THVL1. Chương trình do công ty Truyền thông Khang và Đài Truyền hình Vĩnh Long phối hợp thực hiện với sự tài trợ của trà thanh nhiệt Dr. Thanh.
Gia Hân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
dailypress.com@gmail.com