Ra mắt sách Sống an vui & làm chủ cuộc đời

Dailypress - Nhân chuyến trở lại Việt Nam truyền giảng phật pháp, Tiến sỹ Phật học Khangser Rinpoche, đến từ Ấn Độ đã dành nhiều thời gian giao lưu cùng bạn đọc tại TP.Hồ Chí Minh. 

Tiến sỹ Khangser Rinpoche đã từng đi qua nhiều nước làm phật sự và đã có những cảm nhận thú vị về cuộc sống dưới góc nhìn của đạo đực Phật giáo. Tại Việt Nam Khangser Rinpoche là cái tên đã quen thuộc không chỉ đối với đông đảo phật tử mà còn với nhiều độc giả. Ông là tác giả của đầu sách “best seller” trong đó có cuốn Làm Chủ Cuộc Đời, do First News xuất bản năm 2016. Giao lưu với độc giả lần này, Khangser Rinpoche cũng chính thức cho ra mắt tác phẩm mới nhất: “Sống An Vui – Phương pháp giải tỏa căng thẳng, vượt qua sợ hãi và đối trị sân giận.” 



Khangser Rinpoche chia sẻ: “Trước đây khoảng 15 năm, một người em họ gọi điện cho tôi và nói có một người bạn đang trải qua căng thẳng và bất an. Em hỏi tôi có thể giúp bạn cậu ấy hay không. Lúc đó, tôi đang bận và bảo em tôi hãy đưa bạn cậu ấy đến gặp tôi sau. Một tuần sau đó, cậu bạn ấy đã tự sát. Tôi bị sốc và vô cùng buồn bã. Tôi đã có thể giúp cậu ấy nếu tôi có thời gian gặp cậu ấy sớm hơn. Sau câu chuyện đau lòng này, tôi dành thời gian nghiên cứu sâu về cơ chế của sự căng thẳng. Càng nghiên cứu, tôi càng nhận ra giải tỏa căng thẳng không quá khó khăn.” Tác phẩm Sống An Vui là kết quả sau nhiều năm Khangser Rinpoche nghiên cứu và áp dụng một số phương pháp giải tỏa căng thẳng từ trong tâm của mỗi người. Mong muốn lớn nhất của ông là tập sách này có thể trở thành chìa khóa để người đọc vượt qua sợ hãi, đối trị với những căng thẳng, giận dữ trong lòng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn một triệu người chết vì tự sát. Trung bình, cứ 40 giây thì có 01 người tự kết liễu đời mình. Và, tỉ lệ người tự tử đã tăng 60% trong 45 năm qua. Dự báo, đến năm 2020, cứ sau 20 giây sẽ có một người chết vì nguyên nhân này – một con số khủng khiếp. Cũng theo WHO, hơn 90% người chết vì tự sát mắc bệnh rối loạn tinh thần tại thời điểm họ qua đời, và nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát là chứng trầm cảm lâu ngày không được điều trị. Chưa bao giờ, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, buồn bã, sợ hãi… lại trở nên cấp bách như hiện tại.


Qua cách viết giản dị, dễ hiểu Khangser Rinpoche diễn giải chi tiết về diễn biến nội tâm con người, những dồn nén, bế tắc … từ đó cuốn sách nhỏ này giúp người đọc nhận ra những yếu tố để chế ngự, vượt qua và tạo lập sống đời an nhiên, hạnh phúc như: Cần có động lực sống; Thấu hiểu quy luật tự nhiên; Kiểm soát lòng tham; Đối trị phiền não… Tám yếu tố mà tác giả đề cập trong phần đầu của cuốn sách có thể được xem là một nền tảng tương đối toàn diện để bạn đọc có thể thực hành theo nhằm tìm được bình an trong tâm tưởng. 

Không dừng lại ở đó, với những người đang bị kẹt vào những cảm xúc tiêu cực, tập sách này sẽ là một cẩm nang thực hành giải stress hiệu quả. Từng bài tập thanh lọc, rèn luyện, tiếp năng lượng tích cực cho cơ thể mà tác giả đưa ra khá cụ thể, kèm theo hình ảnh minh họa chi tiết để bạn đọc có thể thực hành, luyện tập bất kỳ nơi nào khi có thời gian. Đáng chú ý, không chỉ thiên về đời sống tâm lý, sách còn có những bài tập hỗ trợ các cơ quan nội tạng, giúp cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất. Bởi, cơ thể khỏe mạnh cũng rất cần thiết để cho một nội tâm bình an và tích cực. 

Sách có văn phong giản dị, gần gũi… và độc giả sẽ cảm thấy như đang được trò chuyện, tâm tình với một chuyên gia, người dẫn dắt mình chạm đến bến bình yên. Như được nhắc đến trong lời giới thiệu, khi tâm căng thẳng, bất an được ngăn chặn và giải tỏa kịp thời, chúng ta không những tìm được bình an và hạnh phúc nội tại mà còn có thể lan tỏa niềm vui sống tới gia đình và cộng đồng xung quanh. Đây cũng là những gì bạn đọc có thể cảm nhận được từ cuốn sách này. 



Thông tin thêm:

Khangser Rinpoche có Pháp tự là Tenzin Tsultrim Palden, nghĩa là Pháp Trì Giới Hạnh Cát Tường. Tên thường gọi Khangser Rinpoche nghĩa là ngôi nhà vàng. Ông sinh năm 1975. Năm 1992, Khangser Rinpoche đậu bằng cử nhân Triết Lý Phật Học ở trường Phật Học Biện Chứng, tiểu bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Năm 1998, ông đậu bằng cao học Triết Lý Phật Học ở Tu Viện Phật Giáo Đại Thừa Sera Jey. Năm 2002, ở tuổi 27, Khangser Rinpoche đậu bằng Tiến Sĩ Phật học Geshe Lharampa, đồng thời đạt vị trí thủ khoa trong số năm ngàn tu sĩ ở tu viện Phật Giáo Đại Thừa Sera Jey, miền Nam Ấn Độ.

Hiện tại, Khangser Rinpoche là giảng sư giảng dạy triết lý Phật học cho hàng trăm Tỳ Kheo và Sa Di ở ở Tu Viện Phật Giáo Đại Thừa Sera Jey, miền Nam Ấn Độ. Ngoài ra, Khangser Rinpoche còn giảng dạy và hướng dẫn thực hành cho đại chúng thuộc nhiều tầng lớp ở các trường đại học, các trung tâm Phật giáo và các cơ sở cộng đồng ở Ấn Độ, Nepal, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ý, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ… Các bài giảng của Khangser Rinpoche cho đại chúng đặc biệt nhấn mạnh phương cách sống một cuộc đời hạnh phúc và đầy ý nghĩa.

Làm chủ cuộc đời : Trước khi xuất bản Sống An Vui, tác phẩm Làm Chủ cuộc đời đã có dịp ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2016. Cuốn sách tập hợp những bài giảng của tiến sỹ Phật học Khangser Rinpoche. Sách mở đầu với những tiền đề căn bản, khẳng định đạo Phật là một môn khoa học về bản tâm con người, chứ không đơn thuần là một tôn giáo. Phần thứ hai trình bày bốn sự thật cao quý, là thành quả từ công trình chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh của đức Phật trong suốt sáu năm ròng tu khổ hạnh và là nền tảng của toàn bộ lời Phật dạy, và kế tiếp là những chủ đề về thông điệp sống hạnh phúc, lòng từ bi và trí tuệ trong mỗi người.

Bằng ngòi bút uyên thâm, cách diễn giải chân tình, tôn sư đã giúp người đọc khái quát những lời dạy của đức Phật, để tìm được sự bình yên, tĩnh tại cho đời sống. Đó là con đường đưa con người thoát khỏi bể khổ, gầy dựng hạnh phúc bền lâu.

Thúy Vinh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: dailypress.com@gmail.com

Copyright 2014 © Dailypress. All rights reserved.
Trang thông tin điện tử tổng hợp Dailypress.
Ghi rõ nguồn Dailypress khi phát hành lại những thông tin này!
Trang thông tin Dailypress
Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh
Email: dailypress.com@gmail.com